Lùi thời điểm sửa Luật Đất đai
Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ tư cuối năm 2022, thay vì kỳ họp thứ ba, để Chính phủ hoàn thiện hồ sơ.
Tổng thư ký Quốc hội vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Theo đó, Thường vụ đồng ý lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ ba (khai mạc tháng 5) sang kỳ họp thứ tư (khai mạc tháng 10). Dự án luật sẽ được xem xét, thông qua theo quy trình tại ba kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư, năm, thông qua tại kỳ họp thứ sáu).
Tại phiên họp của Thường vụ hôm 16/4, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã lần thứ tư xin lùi trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, hiện nay dự án luật được Bộ phối hợp các bộ ngành, ủy ban của Quốc hội xây dựng. Tuy nhiên, xây dựng Luật Đất đai sửa đổi cũng như các chính sách về đất đai phải có nghị quyết của Trung ương làm cơ sở chính trị. Đây là căn cứ quan trọng để lấy ý kiến, thẩm định trình Quốc hội.
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi.
Ngoài Luật Đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị để trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào thời điểm thích hợp.
Về các dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chính phủ được yêu cầu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu; xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, sau đó chuẩn bị hồ sơ để trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5 (nếu kịp), từ đó báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ ba.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ ba.
Một số nội dung khác được bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ tư là dự án Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi (thông qua theo quy trình tại một kỳ họp); cho ý kiến các dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định chưa bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào chương trình năm 2022 vì còn nhiều nội dung chính sách chưa được làm rõ; đề nghị Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị hồ sơ để sớm trình Thường vụ Quốc hội xem xét.