Lấy ý kiến về hai tình huống Covid-19 tại Việt Nam
Dịch bệnh không còn nghiêm trọng hoặc có biến chủng virus mới làm giảm hiệu quả vaccine là hai tình huống Covid-19 tại Việt Nam, đang được lấy ý kiến các chuyên gia.
Dự thảo phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh được Bộ Y tế gửi lấy ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, ngày 29/4.
Tình huống một, chủng virus tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số ca nặng và tử vong giảm dần. Các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước; hoặc xuất hiện biến chủng virus mới ít nguy hiểm hơn.
Với tình huống này, Bộ Y tế đề xuất vẫn thực hiện chủ trương của Chính phủ về thích ứng an toàn; tăng cường giám sát dịch tễ phát hiện biến chủng mới; duy trì đánh giá cấp độ dịch và biện pháp cần thiết.
Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ nhận và phân bổ vaccine cho trẻ từ 5 tuổi; hoàn thành tiêm cho nhóm này trong quý 2 để đảm bảo an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị năm học mới.
Với các nhóm dân số khác, Bộ sẽ đẩy nhanh tiêm chủng; tăng cường vận động người dân đi tiêm với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người". Đồng thời, các địa phương khẩn trương hoàn thành tiêm mũi hai cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi; tiêm mũi ba cho người trưởng thành (từ 18 tuổi).
Bộ sẽ nghiên cứu tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 với người lớn; mũi ba với trẻ em từ 5 tuổi...
Căn cứ tình hình dịch bệnh, Bộ sẽ nghiên cứu chuyển biện pháp chống Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Tại các điểm giám sát trọng điểm, Bộ sẽ giải trình tự gen để phát hiện sự tiến hóa của virus; mở rộng giám sát nCoV trên động vật, bao gồm cả vật nuôi và động vật hoang dã.
Người nhiễm Covid-19 không triệu chứng có thể tham gia một số hoạt động xã hội.
Tình huống hai, Việt Nam sẽ xuất hiện biến chủng virus mới có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng và tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Để ứng phó, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhà sản xuất để cập nhật các loại vaccine mới nhất; kịp thời báo cáo Chính phủ cho phép mua bổ sung để tiêm chủng.
Nhóm dân số nguy cơ cao như người trên 65 tuổi, mắc bệnh nền mạn tính... sẽ được tiêm mũi vaccine tăng cường. Lực lượng tham gia tiêm chủng được huy động tối đa, gồm cả y tế nhà nước và tư nhân.
Các đơn vị tập trung giám sát dịch bệnh và tác động của biến thể mới thông qua các ca bệnh nhập viện; giải trình tự gen để phát hiện biến chủng đang lưu hành và biến chủng mới tại các ổ dịch, chùm ca bệnh có đặc điểm bất thường.
Nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch được thực hiện linh hoạt, theo quy mô và phạm vi hẹp nhất. Công thức 5K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + biện pháp khác được áp dụng linh hoạt. Ngoài ra, các biện pháp giám sát, xét nghiệm được triển khai đồng bộ để phát hiện người nhiễm, từ đó khoanh vùng, cách ly, dập dịch sớm nhất.
Tùy theo tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương, sẽ lập cơ sở điều trị Covid-19 phù hợp. Thuốc điều trị Covid-19 đặc hiệu sẽ được tiếp cận sớm. Các cơ quan tạo mọi điều kiện thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất, chuyển giao công nghệ, gia công thuốc điều trị tại Việt Nam.
Tất cả cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước, tư nhân, bộ ngành, trường học được huy động tham gia điều trị Covid-19. Các bệnh viện chuẩn bị ít nhất 40% cơ số giường bệnh để điều trị Covid-19.
Mô hình tháp điều trị 3 tầng được thiết lập, để điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng; ca bệnh vừa và nặng; ca bệnh nặng và nguy kịch.
Bộ Y tế cho rằng, trong cả hai tình huống, vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong. Tỷ lệ bao phủ vaccine cao, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao là nền tảng để từng bước nới lỏng biện pháp y tế và biện pháp xã hội.
Từ đầu tháng 3, Thủ tướng đã nhiều lần nêu quan điểm, Việt Nam sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Ngày 29/4, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cho rằng Việt Nam "đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch Covid-19 sang bệnh lưu hành". Nguyên tắc 5K sẽ được áp dụng linh hoạt, trong đó 2K cần duy trì thường xuyên là khẩu trang và khử khuẩn; 3K còn lại là khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung đông người "sẽ linh hoạt hơn".