Giảm ngay thuế để hạ nhiệt giá xăng
Tại thị trường VN, giá xăng hôm qua (13.6) lập đỉnh mới, vượt mốc 33.000 đồng/lít. Thế nhưng, đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu vẫn chỉ là dự kiến đề xuất của Bộ Tài chính.
Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao, Bộ Tài chính đang phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án về khả năng tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết hiện Bộ Tài chính dự kiến đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Điều chỉnh giá xăng tại 1 cây xăng ở Hà Nội chiều 13.6 NGỌC THẮNG |
Bên cạnh đó, diễn biến tình hình gần đây cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường. Từ ngày 21.4, hiệp hội, doanh nghiệp có liên quan về dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Trong đó, đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi xăng từ 20% xuống 12%. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN). Đồng thời, đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các hiệp định thương mại tự do mà VN đã ký kết. Như vậy, liên quan chính sách giúp hạ nhiệt giá xăng dầu, đến nay, Bộ Tài chính cũng chỉ mới có ý kiến đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
Current Time0:01 / Duration3:26 Auto |
Giá xăng dầu lại đồng loạt tăng mạnh |
Theo PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội), tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu khoảng 40%, là gánh nặng với người dân do VN có thu nhập thấp hơn các nước. Còn cắt giảm bao nhiêu, nhiều ít ra sao thì tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo tính toán của ông, có thể cắt giảm tỷ trọng xuống còn 20% so với mức giá hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, có thể bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, vì thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, không khuyến khích, hàng hóa xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Bên cạnh đó, dù xăng dầu gây ảnh hưởng môi trường, không khuyến khích tiêu dùng nhiều, nhưng đã có thuế tiêu thụ đặc biệt, mà còn tính thuế bảo vệ môi trường là không phù hợp. Song song, thuế bảo vệ môi trường có thể điều chỉnh xuống còn 3.000 đồng/lít thay vì 4.000 đồng/lít như hiện nay. Đồng thời, đưa mặt hàng này vào diện được giảm thuế giá trị gia tăng 2% như các loại hàng hóa đang được giảm loại thuế này.
Liên quan vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI), thẳng thắn cho rằng việc quản lý, điều hành giá xăng dầu trong nước hiện chưa bình đẳng. Nhà nước thu đầy đủ thuế phí, trong khi rủi ro dồn về phía doanh nghiệp và hậu quả thì người dân gánh đủ. Trong khi đó, bản thân giá xăng hiện nay “cõng” rất nhiều loại thuế. Vì thế, cần tính toán giảm mạnh mẽ các loại thuế, phí để giúp hạ nhiệt giá xăng dầu.
“Việc giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng là cần thiết, nhưng Bộ Tài chính nhiều lần nói điều này dính tới luật, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Để sửa luật có khi mất cả 1 năm. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất là cần rà soát, xây dựng cơ chế để nhà nước có đủ công cụ can thiệp vào thị trường một cách linh hoạt hơn”, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất.