Siêu khuyến mãi giảm giá sốc

Thú chơi 'đưa đại dương lên cạn'

Trần Văn Luận | 19/05/2022

ĐÀ NẴNGNhiều người bỏ ra hàng trăm triệu đồng cùng chi phí hàng tháng để sở hữu những bể thủy sinh nước mặn như một đại dương thu nhỏ.

Trong khuôn viên một nhà hàng trên đường 3/2 phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thực khách bị thu hút bởi bể thủy sinh cao 1,2 m, rộng 3,7 m, với những loài san hô, hay hải quỳ đang vươn xúc tu bắt phù du. Nhiều loài cá tung tăng kiếm ăn trong những rạn san hô giống như dưới đáy biển.

Đây là bể thủy sinh nước mặn lớn nhất Đà Nẵng, tổng mức đầu tư hơn 800 triệu đồng. Chủ nhân của bể, anh Nguyễn Trương Tài, 36 tuổi, cho biết với tuổi thọ 5 năm, bể đã cơ bản ổn định về hệ sinh thái để các sinh vật sinh sống và phát triển. Mỗi tháng anh chi khoảng 30 triệu đồng để duy trì hoạt động của bể.

"Thủy sinh nước mặn phong phú về chủng loại, màu sắc. San hô phát triển tự nhiên, cá lớn lên hàng ngày là nguồn cảm hứng để tôi đầu tư vào thú chơi này", anh Tài nói. Mất khoảng 9 tháng sau khi thiết kế hồ, thay nước biển thường xuyên (một tuần thay 1/10 lượng nước trong bể), bể của anh Tài mới cân bằng gần giống với môi trường dưới biển, từ đó cá và san hô phát triển được.

Bể thủy sinh nước mặn trên đường 3 Tháng 2. Ảnh: Nguyễn Đông

Bể thủy sinh nước mặn trên đường 3/2. Ảnh: Nguyễn Đông

Thú "đưa biển lên bờ" ở Đà Nẵng xuất hiện gần chục năm qua, nhưng số thành viên còn ít. Hai năm trở lại đây, nhiều người đam mê, mạnh dạn "dốc hầu bao", nhờ đó số thành viên đã lên đến hơn 1.000. Người chơi cũng lập các hội, nhóm để chia sẻ kinh nghiệm và mua bán thủy sinh nước mặn.

Anh Nguyễn Viết Thiết, 31 tuổi, chủ bể cá thủy sinh nước mặn tại một quán bún chả cá trên đường Nguyễn Chí Thanh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) đam mê với thú chơi này suốt 8 năm qua. Bể cá của anh rộng 2 m3, nuôi nhiều loại san hô mềm, cá biển và hai con tôm "bác sĩ" chuyên rỉa ký sinh trùng cho cá.

Để chơi được thủy sinh chuyên về san hô và cá biển, theo anh Thiết ngoài bể kính dày, dán keo kỹ lưỡng còn cần máy làm lạnh với nhiệt độ trung bình duy trì 25-26 độ C; giàn đèn chuyên dụng phía trên, mỗi ngày bật 8-10 tiếng, đảm bảo đủ ánh sáng như của mặt trời tự nhiên; máy đánh tách bọt Skimmer và máy tạo luồng cho nước như sóng chảy dưới đáy biển.

Loài cá đắt. Ảnh: Nguyễn Đông

Bể thủy sinh với cả san hô, cá nữ hoàng cùng khoe sắc. Ảnh: Nguyễn Đông

Bể cá của anh Thiết lắp đặt hết 70 triệu đồng, cộng với san hô và cá thêm khoảng 130 triệu đồng. Mỗi tuần anh thay nước một lần, là loại nước biển sâu được hút từ ngoài khơi, có người vận chuyển bằng xe bồn đến thay trực tiếp cho các chủ bể với chi phí 300.000-500.000 đồng/lần.

Anh Thiết chọn nuôi san hô mềm vì dễ chơi. San hô cứng cần thêm nhiều máy móc đắt tiền mới tạo được hệ sinh thái đạt chuẩn. Mỗi năm san hô đầy đủ chất dinh dưỡng có thể phát triển được khoảng 1-2 cm. Cá nếu mua loài nhập từ nước ngoài về thì cần thời gian thuần hóa. Các loài cá cũng được tập thói quen, mỗi khi chủ đến cạnh bể là đàn cá bơi theo để được cho ăn.

Thú chơi cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Anh Tài cho biết từng hai lần gặp sự cố khi nhiệt độ bể bị thay đổi đột ngột và mất cân bằng chất trong bể, dẫn đến cá và san hô chết hàng loạt, thiệt hại gần 200 triệu đồng. Sau đó anh chú ý chăm sóc bể hơn, tuyệt đối không để lên tảo và nhiệt độ thay đổi bất thường.

Còn anh Thiết dù bỏ ra 15 triệu đồng mua con cá nữ hoàng từ Nhật Bản về, nhưng chưa biết cách thuần hóa nên con đầu tiên bị chết. "Tôi tiếc quá nên cuốn cá vào bao nylon, bỏ vào ngăn đông để ướp xác. Nuôi đến con nữ hoàng thứ hai mới sống được", anh Thiết kể.

Cũng vì thú chơi công phu, tỉ mỉ nên những năm gần đây các chủ bể thủy sinh thường thuê dịch vụ chuyên nghiệp đến chăm sóc, kiểm tra định kỳ bằng máy. Anh Trịnh Quốc Hoàng, 26 tuổi, nhân viên Ylang Aquarium, cho biết khó nhất của thủy sinh nước mặn là nhiệt độ và cân bằng độ kiềm kH, khoáng canxi, magie, iốt... chuẩn như dưới lòng đại dương.

Nước biển tự nhiên nuôi thủy sinh phải được lấy cách bờ khoảng 10 km, sâu 50 m, có hệ thống đường ống cấp riêng mới sạch và đủ độ mặn. Nhiệt độ khoảng 25 đến 26 độ C nên nhất thiết phải có máy làm mát. Các chỉ số này thường phải kiểm tra định kỳ một tuần/lần. Còn với những người chơi lâu thì chỉ cần nhìn rạn san hô là có thể nhận biết được hồ của mình có đang ổn định hay không.

"Đơn giản như nếu nhìn mặt kính khoảng 2-3 ngày có rêu bám là do trong hồ sạch quá, tạo điều kiện cho vi khuẩn và tảo sinh sôi. Hồ sạch quá cũng không được mà phải đảm bảo cân bằng các chất", anh Hoàng nói, cho biết dù sống chung nhưng cá và san hô có nguồn thức ăn riêng (cá thường ăn tôm, bột; san hô chủ yếu ăn phù du).

Anh Hoàng đang chăm sóc một bể thủy sinh nước mặn. Ảnh: Nguyễn Đông

Anh Hoàng đang chăm sóc một bể thủy sinh nước mặn. Ảnh: Nguyễn Đông

San hô thường lấy ở Quy Nhơn (Bình Định) và Nha Trang (Khánh Hòa), tại một số vựa được phép khai thác. Cá hiện nay ở Việt Nam mới được cấp phép giống nemo và cà chua, nuôi ở Nha Trang. Tuy nhiên, nhờ phương thức đặt hàng hiện có, người chơi có thể tự mua nguồn nhập từ nước ngoài.

Dù số người chơi đã tăng đáng kể, theo anh Hoàng, ở Đà Nẵng hiện nay chỉ có 5 bể cá thủy sinh nước mặn đẹp và bền, trong đó có bể của anh Tài và anh Thiết. Người chơi Đà Nẵng có thuận lợi là nguồn cung nước biển sẵn, khác với ở Hà Nội và TP HCM chủ yếu phải dùng nước pha muối, tốn kém và công phu hơn.

So sánh giữa thủy sinh nước ngọt và nước mặn, anh Hoàng nói đây là sự đối lập giữa tĩnh và động. Thủy sinh nước ngọt thiên về chơi cây cối nên thường tĩnh, nước chảy nhẹ, nhìn vào hồ sẽ cảm thấy yên bình (cá bơi và cây cối đứng im). Còn thủy sinh nước mặn thì phải sống động với hình ảnh san hô, hải quỳ, cá cùng sinh sống và phát triển như dưới đại dương.

Thảo luận về chủ đề này
0366.640.651
Liên hệ qua Zalo
Messager
Danh mục

Giỏ hàng