Làm nhà lá dừa cho khu du lịch
QUẢNG NAMSở hữu rừng dừa nước bạt ngàn, người dân Hội An đã tận dụng làm nhà lá dừa cho các nhà hàng, resort ở khắp miền Trung, Tây Nguyên.
Trưa nắng cuối tháng 4, anh Lê Minh Hải, 23 tuổi, trú xã Cẩm Thanh, TP Hội An, khéo léo sắp đặt từng lá dừa thành phên dài 3 m, rộng hơn 1m. Gần đó, cậu của Hải dùng cưa cắt tre theo kích cỡ đã đánh dấu trước, dùng dao rựa chẻ đinh tre để mang đi làm quán cà phê bằng nhà lá rộng 30 m2 ở gần phố cổ Hội An.
Hải sinh ra trong gia đình ba đời làm nhà lá. Năm 2020, anh đang làm đầu bếp phục khách du lịch, nhưng Covid-19 xuất hiện, nhà hàng đóng cửa. Thất nghiệp, anh về nhà sản xuất nhà lá. Tay ngang nhưng Hải bắt nhịp nhanh, mỗi lần gặp khó đều được cha và ông chỉ bảo.
Làm nhà lá dừa là nghề truyền thống của người Hội An, tập trung ở xã Cẩm Thanh và phường Cẩm Châu (riêng Cẩm Thanh 50 hộ). Trước đây, cuộc sống khó khăn, người dân làm nhà mái dừa, cột tre và đan phên tre để che mưa gió. Tuổi thọ mỗi căn nhà được khoảng 20 năm. Đời sống khá hơn, nhiều người trong vùng vẫn làm nhà dừa để ở. Khách du lịch cũng thích thú nên hơn 10 năm qua, nhiều nhà hàng, quán cà phê, resort đặt nhà lá dừa.
Ông Lê Văn Thắng, 46 tuổi, ở xã Cẩm Thanh, cho biết nghề này không khó nhưng phải cần cù vì mọi công đoạn phải làm thủ công. Tre được đốn vào tháng 11 để đảm bảo thân chắc, ngâm từ sáu tháng đến một năm để không mối mọt (một số người sẽ yêu cầu không ngâm vì ngại mùi hôi). Còn lá dừa một năm thu hoạch hai vụ vào tháng 3 và 8 theo quy định của chính quyền để đảm bảo không khai thác tràn lan. Lá cắt về sẽ kết lại thành mảnh lớn, phơi khô.
Xưởng làm nhà mái dừa của ông Thắng lớn nhất nhì xã Cẩm Thanh. Thời điểm trước dịch Covid-19, xưởng có 15 nhân công làm việc, từ cắt, chẻ dừa phơi khô, kết mái cho đến cắt tre, dựng nhà hoàn chỉnh. Một căn nhà 50 m2 sẽ được hoàn thiện trong 5 ngày; 100 m2 thì cần 10 ngày. Đơn giá trọn gói gần một triệu đồng/m2. Mỗi hợp đồng khách sẽ giữ lại 5% số tiền cần thanh toán và gửi đủ khi hết thời hạn bảo hành.
Nhà tre mái dừa của xưởng đã theo khách hàng ra Huế, Đà Nẵng, thậm chí đưa dừa nước ngược lên Tây Nguyên, vào các ngôi làng ở Gia Lai, Đăk Lăk. Ông Thắng cho biết, mỗi căn nhà đều phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng, từ mẫu mã theo bản vẽ đến chất lượng. Do không phải là dạng nhà bê tông cốt thép nên cũng dễ dàng chỉnh sửa trong quá trình thi công. "Khó nhất là những nhà làm kiểu cách nhiều nóc, nhưng làm nhiều rồi thì cũng quen", ông nói.
Cụ Lê Công Thành (bố ông Thắng) năm nay 86 tuổi, nhưng vẫn đủ sức khỏe phụ con cưa tre, dựng nhà. Cụ Thành kể hơn 200 năm trước những bậc tiên hiền của làng giong thuyền vào tận vùng đất Nam Bộ để giao thương hàng hóa, chứng kiến vùng đất đầm lầy có cây dừa nước sinh sôi phát triển, che chắn sóng gió, bảo vệ xóm làng. Người dân Nam Bộ sử dụng lá dừa lợp nhà rất tốt nên những người Hội An đã mang giống này về trồng ở Cẩm Thanh.
Dừa nước từ phương Nam lại rất hợp thổ nhưỡng ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn giáp với biển Cửa Đại. Từ vài cây ban đầu đã hình thành lên rừng dừa Bảy Mẫu. Hội An dần hình thành cảnh quan mới ở vùng ven, với sông nước bao quanh, xen lẫn rừng dừa nước xanh ngút ngàn. Xung quanh xóm làng có nhiều ngôi nhà được lợp bằng lá dừa mọc san sát.
"Nhà tre lợp lá dừa chịu được bão cấp 12 đến cấp 13. Điều này được chứng minh từ thực tế những cơn bão quét qua Hội An những năm qua", ông Thành nói, cho biết khi bão lớn đi qua, căn nhà có thể bị nghiêng nhẹ, chỉ cần gia cố lại. Tuy nhiên, căn nhà phải đảm bảo được dặm nóc theo chu kỳ 4 năm một lần, tre phải được ngâm kỹ lưỡng trước khi dựng.
Cụ Thành sinh ra và lớn lên trong căn nhà tre, mái dừa và theo nghề này từ nhỏ. Khi người dân dần chuyển sang làm nhà xây, lợp ngói, ông vẫn tin sẽ có một ngày nhiều người sẽ lại thích ngồi trong những căn nhà tre mái dừa. "Tôi vẫn khuyên các con phải giữ lấy nghề. Bây giờ nghề làm dừa nước đã giúp tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người trong làng", ông nói.
Tuy nhiên, ông Thành cho biết để dựng một căn nhà lá thì chủ phải xin giấy phép của chính quyền địa phương, vì ở những khu dân cư đông đúc, việc xây dựng nhà lá rất khó khăn, do nguy cơ hỏa hoạn.
"Mấy năm trước, có vài đợt người từ Nhật Bản tìm đến phường Cẩm Châu bên cạnh Cẩm Thanh đặt hàng và vận chuyển hàng thành phẩm theo tàu, đưa thợ sang bên đó lắp ráp nhà từ mái dừa, cột tre", ông Thành kể. Ông cũng tin rằng nếu người dân làm nghề bằng chữ tín, tuân thủ yêu cầu về kỹ thuật và khai thác dừa đúng mùa vụ quy định thì những căn nhà mái dừa sẽ còn mọc lên ở nhiều nơi, đem lại cuộc sống khá giả cho người trong làng.