Siêu khuyến mãi giảm giá sốc

Em bé hoại tử bàn tay sau 6 ngày bị rắn cắn

Trần Văn Luận | 20/04/2022

Bé trai 14 tuổi bị rắn cắn, được thầy lang bó thuốc nhưng vết thương nhiễm trùng, đến ngày thứ 6 thì hoại tử khắp bàn tay.

Bé ngụ An Giang, bị rắn cắn vào tay trái khi lên núi đốn chuối, được mẹ hút nọc độc, lấy găng tay băng ép cột thắt vùng trên vết cắn. Người mẹ đập chết con rắn, không mang về nhà nhưng nhìn hình dáng nhận định đây là rắn lục nưa, còn gọi rắn hổ bướm, rất độc.

Gia đình đưa bé đến thầy lang vườn chuyên trị rắn cắn để băng thuốc. Vết thương dần nhiễm trùng, nổi bóng nước lan tỏa, bé xuất hiện các vết bầm da khắp toàn thân. Cơn đau lan ra nửa bên trái cơ thể, bụng ngực trái, bé được gia đình đưa đến bệnh viện tại TP HCM điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 19/4 cho biết bệnh nhi nhập viện khi bị rắn cắn đã 6 ngày, vết thương nhem nhuốc và hoại tử. Các bác sĩ cắt lọc vùng hoại tử, truyền kháng độc tố rắn lục và các loại huyết thanh, chế phẩm máu để điều chỉnh rối loạn đông máu...

"Thông thường trong 24 giờ đầu bị rắn cắn cần truyền huyết thanh kháng nọc độc. Em bé này đến viện trễ, tình trạng quá nặng nên các bác sĩ vẫn quyết định truyền huyết thanh và kết hợp nhiều biện pháp khác", bác sĩ Vũ nói. Sau ba ngày điều trị tích cực, bệnh nhi dần hồi phục, được tiếp tục theo dõi.

Bé trai hồi phục sau ba ngày điều trị tích cực, được bác sĩ Nguyễn Đạt Thịnh, Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, nấu mì gói cho ăn. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Bé trai sau ba ngày điều trị tích cực, được bác sĩ Nguyễn Đạt Thịnh, Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, nấu mì gói cho ăn. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Bác sĩ Vũ khuyến cáo nếu bị rắn độc cắn, cần đến bệnh viện để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Nếu nhập viện muộn, kết quả điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu sẽ rất kém hoặc không hiệu quả.

Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, nên thực hiện các bước sơ cứu để làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể. Cụ thể, di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn; giữ bình tĩnh và hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị rắn cắn bằng nẹp để làm chậm sự lây lan của nọc độc. Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương sưng lên. Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị rắn cắn nằm thấp hơn vị trí tim, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện. Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý; dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

Lưu ý, không nên áp dụng bừa bãi kinh nghiệm dân gian để sơ cứu khi bị rắn cắn. Không sử dụng băng garo cột chặt vào vùng bị cắn vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử. Không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây... lên vết thương hoặc uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Không rạch, không đâm chích vết thương hoặc cố gắng loại bỏ nọc độc vì không hiệu quả mà còn có thể khiến nhiễm trùng nặng thêm.

Tránh dùng thức uống có chứa caffeine hoặc rượu vì chúng có thể làm tăng tốc độ hấp thụ nọc độc của cơ thể. Không nên cố bắt con rắn, thay vào đó nên ghi nhớ màu sắc, hình dạng và phương thức tấn công của nó để có thể mô tả với bác sĩ, thông tin này sẽ có ích trong điều trị.

Thảo luận về chủ đề này
0366.640.651
Liên hệ qua Zalo
Messager
Danh mục

Giỏ hàng