Siêu khuyến mãi giảm giá sốc

'Chợ phiên' cho công nhân

Trần Văn Luận | 12/05/2022

TP HCMCá nục giảm còn 70.000 đồng, chị Phan Thị Hồng Đức, ở quận 12, định mua một ký nhưng sực nhớ nhà hết dầu ăn, lại chưa có rau nên chần chừ.

Với 100.000 đồng mang theo, chị Đức mua một chai dầu ăn loại một lít hết 46.000 đồng, 10.000 đồng rau muống. Sau khi mất vài nghìn cho chanh ớt, trong túi nữ công nhân còn lại 35.000 đồng đủ mua nửa ký cá nục. Bữa cơm tối của ba người lớn và một em bé 6 tuổi với cá kho, rau luộc lấy nước làm canh diễn ra chóng vánh. Trong nồi còn lại ít cá, chị Đức chia làm đôi. Một phần để sáng mai vợ chồng làm cơm mang đến nhà máy, số còn lại để mẹ chị ăn trưa.

Chị Hồng Đức hướng dẫn con gái 6 tuổi tập viết. Ảnh: An Phương

Chị Hồng Đức hướng dẫn con gái 6 tuổi tập viết. 

Gần 15 năm rời quê vào Sài Gòn, ở tuổi 34, chị Đức nói rằng có lẽ đây là những ngày khó khăn nhất khi giá cả tăng chóng mặt, lương không đủ chi tiêu. Hai vợ chồng có gần chục năm làm việc cho Công ty điện tử BTE ở quận Tân Phú với tổng thu nhập mỗi tháng tầm 14 triệu đồng. Mỗi tháng nữ công nhân phải chi 2,5 triệu đồng cho phòng trọ, điện nước, 2,4 triệu đồng gửi con, 600.000 đồng mua thuốc cho mẹ, xăng xe...

Sau khi trừ hết các khoản cứng, cả gia đình còn hơn 8 triệu đồng dành chi tiêu cho bốn người. Cả nhà thống nhất tiền ăn trong ngày gói ghém khoảng 100.000 đồng, hôm nào mua nhiều hơn thì bữa sau bớt lại. Nếu trước đây, mỗi lần mua sữa cho con gái, chị đặt nguyên thùng, giờ chuyển sang tính lốc hoặc 10-20 bịch.

Nữ công nhân kể mấy hôm trước tiệm bánh mì đầu ngõ tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng một ổ nên cả nhà mua thùng mì tôm để dành ăn sáng. Người mẹ trẻ nhẩm tính từ lúc mỗi lít xăng giá 30.000 đồng, nhiều khoản chi tiêu đã đội lên 20%. "Cái gì cũng lên giá nhưng hai năm qua lương không tăng. Tháng nào nghỉ ốm một ngày là mất 300.000 đồng phụ cấp chuyên cần, thêm cái đám cưới là âm lương", chị Đức nói.

Cách chỗ ở của chị Đức vài dãy trọ, gia đình anh Tạ Khắc Vũ, tài xế taxi và chị Ngô Thị Ty, công nhân công ty làm thiệp giấy xoắn cũng xoay xở đủ cách trước cơn bão giá ập đến.

Là tài xế, anh Vũ thấy rõ tác động của giá xăng lên xuống. Trước đây chỉ cần đổ 600.000 đồng đủ chạy cả ngày, giờ đây anh phải trả hơn 900.000 đồng. Tốn thêm chi phí cho nhiên liệu nhưng lại ế khách khiến thu nhập trong tháng giảm. Để bù phần thiếu hụt của chồng, ngoài giờ làm việc chính ở xưởng, chị Ty nhận hàng về làm thêm. Với một giờ tăng ca mỗi tối, nữ công nhân kiếm được gần 40.000 đồng, nâng tổng thu nhập mỗi tháng lên tầm 6 triệu đồng.

Chị Ty nhận thiệp về làm tại nhà. Ảnh: An Phương

Chị Ty nhận thiệp về làm tại nhà. 

Để tiết kiệm, chị Ty nhờ người thân ở Bình Định mua cá, thịt đóng thùng gửi xe đò vào Sài Gòn. Trước đây một triệu đồng mua được vài ký thịt, cá nhưng giờ ít hơn. Cước gửi hàng cũng tăng. Anh chị thống nhất không được tăng tiền ăn mà phải giảm lượng thực phẩm. Ví dụ ngày trước kho thịt cần nửa ký, giờ còn ba lạng. Nồi cá kho cũng giảm từ bốn xuống ba con... Tuy nhiên có những món không được cắt giảm dù giá tăng là sữa, thức ăn cho con gái 6 tuổi.

Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ khu nhà trọ nơi gia đình chị Ty, chị Đức thuê nói rằng từ ngày xăng tăng công nhân toàn khu trọ giảm hẳn mua sắm, ăn uống cũng tiết kiệm thấy rõ. Trước đây, cứ hai ngày là rác sinh hoạt đầy hết các thùng, phải cho thu gom, nhưng hiện nay ba ngày xe rác mới đến mà các thùng chỉ phân nửa.

Gia đình ông Tâm có cửa hàng tạp hóa, nhìn giá cả tăng mà chóng mặt. Ông chủ trọ liệt kê mỗi lít dầu ăn tăng 4.000-6.000 đồng, thùng sữa cho em bé tăng đến 40.000 đồng, bình nước uống 20 lít tăng 3.000 đồng, một bình gas mini, gói mì tăng 1.000 đồng... "Hàng thiết yếu càng tăng nhanh, mạnh", ông Tâm nhận xét.

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nói rằng giá cả tăng nhanh, cùng với phát sinh nhiều chi phí cho y tế, chăm sóc sức khỏe đã tác động lớn đời sống của đại bộ phận người lao động.

Năm 2021, khảo sát của Viện cho thấy 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, 48% người phải giảm lượng thịt hàng ngày, 22% lao động phải chuyển từ mua sắm hàng ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% trường hợp lựa chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa. Ngoài ra, 60% người lao động phải tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân: 0,3% phải vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.

Công nhân mua hàng ở phiên chợ bán hàng giảm giá tổ chức ở Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: An Phương

Công nhân mua hàng ở phiên chợ bán hàng giảm giá tổ chức ở Khu chế xuất Tân Thuận. 

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP HCM), nói công nhân thành phố gặp nhiều khó khăn do vừa trải qua đợt dịch, sau đó là giá cả tăng cao. Để hỗ trợ người lao động, các cấp công đoàn có nhiều hoạt động như phối hợp các nhãn hàng, siêu thị bán hàng giảm giá 10-30%. Các cửa hàng phúc lợi công đoàn sẽ được mở tại nhà máy, nhà văn hóa lao động, khu công nghiệp, các dãy nhà trọ đông công nhân... để lao động dễ tiếp cận.

Ngoài ra, Tổ chức tài chính vi mô CEP trực thuộc Liên đoàn lao động thành phố giảm lãi vay cho công nhân, người lao động đến hết tháng 6. CEP mở thêm điểm giao dịch ở Khu chế xuất Tân Thuận, tăng kênh tiếp cận như qua ứng dụng trên điện thoại giúp công nhân vay vốn lãi suất rất thấp, tránh tín dụng đen.

Gia đình chị Hồng Đức tính cuối năm sẽ chuyển hẳn về quê ở Khánh Hòa tìm việc, bởi ở TP HCM làm mãi mà không có dư. "Năm sau nếu có cơn bão giá tương tự, chưa chắc vợ chồng tôi chịu nổi nên cả nhà thống nhất hồi hương", chị Đức nói.

 

So sánh giá một số loại nhiên liệu, thực phẩm thiết yếu hiện tại với một năm trước. Đồ hoạ: Tiến Thành

So sánh giá một số loại nhiên liệu, thực phẩm thiết yếu hiện tại với một năm trước.

Thảo luận về chủ đề này
0366.640.651
Liên hệ qua Zalo
Messager
Danh mục

Giỏ hàng