Bé gái ở Đăk Lăk nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người'
Bé gái 9 tuổi ở huyện Ea Súp nhập viện với triệu chứng sốt cao, tuyến mang tai hai bên sưng to, góc hàm hóa mủ, đau, há miệng hạn chế, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Whitmore.
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đăk Lăk, bé liên tục sốt 39 độ C, khối áp xe tuyến mang tai đã được rạch, đi tiêu lỏng 5 lần một ngày. Kết quả xét nghiệm em dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei - vi khuẩn gây bệnh Whitmore, còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người", chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm màng não.
Đây là người đầu tiên tại Đăk Lăk được ghi nhận mắc bệnh Whitmore - căn bệnh đã bị lãng quên nhiều năm và vài năm gần đây xuất hiện trở lại.
Sáng 8/6, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đăk Lăk cho biết ngành y tế đang điều tra dịch tễ ca Whitmore này. Hiện chưa rõ em bé tiếp xúc nguồn lây nhiễm vi khuẩn từ đâu, tuy nhiên bắt đầu phát các triệu chứng từ 10 ngày trước khi vào viện hôm 4/6.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất, lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hay giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa. Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Số bệnh nhân tăng tỷ lệ thuận với lượng mưa.
Bệnh Whitmore gặp ở tất cả độ tuổi, cả nam và nữ, phần đông là người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước. Người có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, thận, phổi, suy giảm miễn dịch... dễ mắc vi khuẩn này. Y văn thế giới ghi nhận trẻ em mắc Whitmore chiếm tỷ lệ 5-15% tổng số ca. Bệnh hiện chưa có vaccine phòng ngừa.
Dấu hiệu bệnh là nhiễm trùng hình thành khoang mủ, sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ. Thời gian ủ bệnh từ một đến 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn.
Whitmore được các bác sĩ coi là "kẻ mạo danh" vì không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và dấu hiệu dễ nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu... Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.
Các bác sĩ khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh gồm mang giày, ủng và găng tay bảo hộ khi làm việc ở môi trường nước. Người mắc bệnh tiểu đường, viêm thận mạn tính, có vết xước hay vết thương hở trên da nên tránh tiếp xúc với những nơi có nguồn nước, đất bị ô nhiễm.