Siêu khuyến mãi giảm giá sốc

‘Bảo mẫu’ của hàng nghìn sinh vật biển

Trần Văn Luận | 08/05/2022

Trong lần đi kiểm tra, chị Đặng Trần Tú Trâm, 42 tuổi, nhân viên Viện Hải dương học ở TP Nha Trang, thấy cá mập mẹ bơi chậm, bụng phình to, thở dốc như gần sinh.

Lúc này cá mập mang thai được 12 tháng. Kinh nghiệm 15 năm làm việc tại Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển Viện Hải dương học, hàng ngày thuần dưỡng, chăm sóc nhiều loại cá, chị Trâm phán đoán chừng vài tiếng nữa cá mẹ sẽ chuyển dạ, có thể sinh vào ban đêm. Cá mập nhạy cảm với máu, cá bố mẹ đang nuôi nhốt với đàn, nên chị lo sợ cá con ra đời sẽ bị cá lớn ăn thịt.

Chị Đặng Trần Tú Trâm kiểm tra các loại cá nuôi trong hồ tại Viện Hải dương học. Ảnh: Bùi Toàn

Chị Đặng Trần Tú Trâm kiểm tra các loại cá nuôi trong hồ tại Viện Hải dương học. Ảnh: Bùi Toàn

Một ê kíp nhanh chóng được lập để đỡ đẻ cho cá mập. Đến 22h cùng ngày, cá mẹ trở dạ, cho ra đời những cá con có trọng lượng khoảng 600 gram, dài 45-60 cm. Lúc này, các nhân viên nhanh tay vớt cá con ra hồ riêng. Công việc đỡ kéo dài đến rạng sáng mới hoàn thành.

Cá con được đội ngũ kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng, thức ăn chủ yếu là mực xay nhuyễn. Sau 6 tháng nuôi, mỗi con đạt trọng lượng 7-10 kg, dài chừng một mét. Đến nay tại Viện Hải dương học, những chú cá mập đã sinh sản được hai lần, một cá sinh 6 con vào năm 2009, một cá sinh ba con vào năm 2014.

"Một chú cá ra đời có phát triển tốt hay không phụ thuộc vào người nuôi nắm rõ những đặc tính của loài cá", chị Trâm nói và cho biết khi các cá mập đủ lớn, có thể tự bảo vệ bản thân sẽ được chuyển sang hồ nuôi chung với các loại cá khác.

Đó là những công việc hàng ngày của những nhân viên ở Viện Hải dương học thành lập từ năm 1923, được xem là cơ sở nghiên cứu biển hàng đầu cả nước. Đây là nơi lưu giữ khoảng 23.000 mẫu sinh vật biển với hơn 5.000 loài được các nhà khoa học thu thập nhiều nơi gần 100 năm qua.

Hiện, Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển có 16 cán bộ, nhân viên, đảm nhận nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn sinh vật biển. Bên cạnh đàn cá mập, chị Trâm còn chăm sóc các loài khác như cá mặt quỷ, cá ngựa, cá nàng đào, cá kẽm bông, cá thia đá, cá bò hòm sừng... Mỗi loài có thuộc tính khác nhau nên chị phải theo dõi thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.

Đồng nghiệp chị Trâm, anh Hồ Sơn Lâm (Phó phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển) thường xuyên đi kiểm tra các khu nuôi sinh vật biển, như hệ thống điện, các máy bơm, dây sục khí, chất lượng nước. "Việc khảo sát giúp chúng tôi phát hiện được những bất thường về sức khỏe của các sinh vật, từ đó đưa ra phương án xử lý kịp thời", anh Lâm nói.

Viện Hải dương học nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo loài cá khoang cổ nemo. Ảnh: Bùi Toàn

Viện Hải dương học nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo loài cá khoang cổ nemo. Ảnh: Bùi Toàn

Tại viện có 40 hồ với nhiều loại sinh vật biển như cá mập, cá hoàng hậu, tôm hùm, cá mặt quỷ... Mỗi loài được phân chia các phần thức ăn khác nhau như tôm, ruốc, cá các loại đã được nhân viên xay nhuyễn hay cắt nhỏ để phù hợp kích thước của từng loài.

Hơn 10 năm làm việc tại Viện Hải dương học, điều anh Lâm tự hào nhất là đàn cá khoang cổ nemo được thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo thành công. Đây là giống cá chỉ có ở biển Trường Sa. Việc phát triển hiệu quả giống cá này như khai thác được nguồn gen từ vùng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

Một dự án sinh sản nhân tạo và chăm sóc cá khoang cổ nemo thường kéo dài trong hai năm. Nguồn cá đang được thử nghiệm thương mại hóa và đạt được nhiều kết quả tích cực, đến nay hơn 15.000 con được bán ra thị trường, mỗi con giá 30.000-40.000 đồng.

Không chỉ vậy, các nhà khoa học, Viện Hải dương học là đơn vị đầu tiên trong nước cho sinh sản nhân tạo thành công giống hải quỳ và san hô mềm. Trong đó, san hô mềm vừa giá trị làm cảnh, vừa làm dược liệu vì có hoạt tính sinh học cao, trong đó gồm chất chống ung thư.

Theo anh Lâm, việc sinh sản nhân tạo loại san hô mềm chỉ là thành công bước đầu. Để tạo ra loài sinh vật này đúng với phiên bản ngoài tự nhiên nhất, viện cần khoảng thời gian dài để đầu tư kinh phí, thử nghiệm các tác động địch hại, các hoạt chất kháng khuẩn. Thời gian tới, viện sẽ đăng ký đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về dự án này.

Kỹ thuật viên lặn xuống các bể kính để vệ sinh, biểu diễn tại Viện Hải dương học. Ảnh: Hải Trình

Kỹ thuật viên lặn xuống các bể kính để vệ sinh, biểu diễn tại Viện Hải dương học. Ảnh: Hải Trình

Để giám sát và thuận lợi cho công việc nghiên cứu, nhiều kỹ thuật viên còn phải mang bình oxy, lặn xuống nước. Là một trong những người đảm nhận công việc lặn, anh Đoàn Văn Thân, 29 tuổi, cho biết để lặn được sâu, kỹ thuật viên phải trải qua một khóa đào tạo, khi đạt sẽ được cấp bằng. Người lặn giỏi cần phải có sức khoẻ, tập thở, điều hòa nhịp tim thường xuyên.

Nhiều thời điểm, du khách đến Viện Hải dương học có dịp trải nghiệm cảnh thợ lặn xuống dưới các bể kính làm vệ sinh, sau đó biểu diễn cùng các loài cá. Một số trường hợp sinh vật biển, các "bảo mẫu" phải theo dõi ngày đêm, để hiểu được thói quen, tập tính của loài. Sau nhiều năm làm việc, anh Thân thấy loài khó chăm sóc nhất là san hô cứng vì những điều kiện khắt khe như chất lượng nước phải sạch, nếu không sinh vật sẽ bị sốc và chết.

Thảo luận về chủ đề này
0366.640.651
Liên hệ qua Zalo
Messager
Danh mục

Giỏ hàng